CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Châu Thành Được. Rất hân hạnh được chia sẻ cùng các bạn!

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Nghị quyết “tam nông” đi vào cuộc sống

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp của tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất, với trọng tâm là tập trung phát triển 10 sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Từ đó, các nông sản hàng hóa ngày càng đa dạng và đi vào chất lượng, hiệu quả.
Những sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đều phát triển theo lợi thế của vùng.

Phát triển nông nghiệp theo lợi thế địa phương
Dựa vào những mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra, tỉnh đã dần quán triệt và xác định được kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Trong đó, đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn (VietGAP, GlobalGAP), góp phần nâng cao chất lượng nông sản và sức cạnh tranh trên thị trường. Một trong những mặt hàng nông sản đang có thế mạnh và nằm trong 10 sản phẩm chủ lực được tỉnh chọn để có định hướng đầu tư phát triển là chanh không hạt. Hiện tại, tỉnh đã thành lập được Hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất cây giống và cung ứng sản phẩm chanh không hạt tại ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành. Để giúp bà con an tâm về đầu ra sản phẩm, HTX tiến hành ký hợp đồng với nhiều công ty trong và ngoài tỉnh tiêu thụ chanh không hạt, đặc biệt hợp đồng với công ty của Hà Lan xuất khẩu sang Singapore. Qua đây, đảm bảo tiêu thụ cho 97ha diện tích chanh không hạt của 84 xã viên HTX và gần 200ha của 297 hộ dân bên ngoài. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Thạnh Phước, cho hay: Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành mà HTX không ngừng lớn mạnh, đời sống xã viên từng bước được nâng cao. Từ 11 xã viên thuộc diện hộ nghèo (khi mới thành lập), đến nay không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân hiện tại gần 30 triệu đồng/người/năm, riêng có hộ thu nhập 100 triệu đồng/người/năm.  
Nếu như người dân xã Đông Thạnh tập trung sản xuất chanh không hạt thì bà con ở xã Tân Thành và Đại Thành, thuộc TX.Ngã Bảy lại đầu tư, phát triển vườn cam sành. Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho biết: Là địa phương có thế mạnh về đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, rất thuận lợi phát triển vườn cây ăn trái, nhất là cam sành. Hai năm qua, do cây cam sành cho thu nhập cao và thích hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây, nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành, với tổng diện tích hiện tại là 1.325ha. Thu nhập bình quân 1ha cam sành đạt khoảng 170 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu được tiền tỉ mỗi năm, cao gấp 5 đến 7 lần so với làm lúa. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 23,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,48%.   
Ngoài 2 sản phẩm chủ lực trên, hiện còn nhiều sản phẩm khác cũng đang được các địa phương trong tỉnh quan tâm phát triển theo lợi thế của từng vùng, như: khóm Cầu Đúc Vị Thanh, quít đường Long Mỹ... Đặc biệt, thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện một số sản phẩm nông nghiệp có tính sáng tạo, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lên hàng chục lần so với sản phẩm thông thường, như: bưởi “hồ lô” có khắc chữ, dưa hấu “hồ lô”…
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vấn đề về tam nông ở tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế: thu nhập của người dân vẫn chưa được ổn định; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát vẫn còn phổ biến; chương trình liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản đạt kết quả chưa cao, thiếu bền vững, chưa có cơ chế ràng buộc. Từ đó, nông dân luôn là đối tượng thua thiệt, không chủ động được trong sản xuất, tiêu thụ.
Cần liên kết vùng
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết tam nông vừa được Tỉnh ủy tổ chức, đa số các đại biểu đều cho rằng: sự liên kết vùng là cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh: Tỉnh cần tổ chức lại sản xuất, xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết gắn bó giữa nông dân với các loại hình kinh tế tập thể và doanh nghiệp; thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, sản phẩm thông qua hợp đồng; đặc biệt, cần đẩy nhanh việc liên kết vùng gắn với quy hoạch đã được duyệt… Nếu thực hiện tốt những cách làm trên sẽ khắc phục được tình trạng sản xuất dư thừa. Bởi, qua thực tế cho thấy, nếu sản xuất không có liên kết vùng tốt sẽ dẫn đến sản phẩm dư thừa không tiêu thụ được, giá rẻ, từ đó lợi ích của người dân bị thiệt hại.
Ngoài việc liên kết vùng thì vấn đề quy hoạch là yếu tố rất quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, muốn phát huy được thế mạnh của tỉnh thì khâu quy hoạch phải đặt vào tổng thể chung, gắn quy hoạch vào cơ chế thị trường. Hậu Giang cũng cần linh hoạt trong áp dụng các chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện chương trình tam nông, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên và dân cư. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) là không ngừng nâng cao đời sống người nông dân, đảm bảo sự phát triển bền vững của mũi nhọn kinh tế nông nghiệp quốc gia, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy các ngành kinh tế khác. Do đó, Hậu Giang chú trọng rà soát cơ cấu sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng các chuỗi giá trị sản phẩm; nghiên cứu mô hình nông nghiệp liên kết; tránh triệt để việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Tổ chức sản xuất nông nghiệp phải căn cứ vào yếu tố thị trường để đảm bảo hiệu quả kinh tế; đi liền với đó là áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, kết nối khoa học công nghệ với doanh nghiệp và người nông dân…
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC
Nguồn: baohaugiang.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét