Một số hình ảnh hoạt động của hệ thống thư viện công cộng giai đoạn 2011-2013 tại hội nghị |
3 năm qua, hoạt động của Hệ thống thư viện công cộng (TVCC) diễn ra trong điều kiện nền kinh tế đất nước trải qua nhiều khó khăn, văn hóa đọc truyền thống tiếp tục đứng trước thách thức lớn với sự cạnh tranh, lấn át văn hóa nghe-nhìn. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ cùng toàn hệ thống thư viện công cộng trong cả nước đã có nhiều nỗ lực, làm mới dịch vụ truyền thông; tăng cường tổ chức các dịch vụ mới trong thư viện, công tác luân chuyển sách báo về cơ sở. Bên cạnh đó, quan tâm chú trọng phát triển mạng lưới thư viện, phòng đọc sách cơ sở gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy, nâng cao nhu cầu văn hóa đọc trong nhân dân…
Nhiều tỉnh, thành đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thư viện. Cụ thể, đã có 6 thư viện cấp tỉnh ở Tuyên Quang, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Bạc Liêu và 83 thư viện cấp huyện được xây mới, khánh thành và đưa vào sử dụng. Ngoài nguồn vốn đầu tư của địa phương, cũng trong 3 năm qua, với sự tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates (Hoa Kỳ), thông qua dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại VN, đã có 627 thư viện được đầu tư trang bị với tổng số 5.250 máy tính, 624 máy in và các thiết bị khác đi kèm, tạo ra bước phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng của hệ thống TVCC ở những vùng khó khăn. Tổng số sách hiện có trong hệ thống TVCC gồm trên 20.635.771 bản, ước tính bình quân 175.000 bản sách/thư viện cấp tỉnh, 10.000 bản sách/thư viện cấp huyện. Nhiều thư viện đã tăng thời gian phục vụ bạn đọc, mở cửa đều đặn 7 ngày/tuần. Các hoạt động chuyên môn như “Ngày hội đọc sách và văn hóa đọc” được tổ chức thường xuyên nhằm đánh thức, khơi dậy nhu cầu và nguồn lực đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc trong nhân dân, đặc biệt đối với tầng lớp học sinh, sinh viên. Ngoài ra, để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thư viện công cộng, ngoài việc tăng cường các lớp tập huấn, trong 3 năm qua, Bộ VHTTDL cũng đã tổ chức 12 hội nghị - hội thảo về những vấn đề trọng tâm của ngành, hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng công tác quản lý chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thư viện.
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong 3 năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện nêu một số hạn chế, tồn tại như: Hệ thống văn bản pháp quy trong lĩnh vực còn thiếu cả về loại hình văn bản, đặc biệt là thiếu văn bản có giá trị cao nhất – Luật Thư viện; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thư viện, việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia ở địa phương còn chưa thường xuyên, kịp thời. Một số địa phương còn thiếu sự quan tâm, đầu tư sâu sát của các cấp, các ngành. Đến nay, vẫn còn 10 thư viện tỉnh chưa có trụ sở độc lập, phải ở ghép…
Nhiều ý kiến, tham luận tại Hội nghị đã bàn thảo, trao đổi về các vấn đề quan trọng của ngành, trong đó xoáy sâu vào những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống TVCC, góp phần xây dựng, phát triển, chấn hưng văn hóa đọc.
Với những góc nhìn sát thực xung quanh thực trạng hoạt động của hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở ở miền núi, TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai nêu những giải pháp khá cụ thể: “Cần có chính sách trích một phần kinh phí sự nghiệp ở cấp xã hoặc cấp huyện bổ sung thêm cho cán bộ quản lý điểm bưu điện văn hóa xã. Bước đầu, mỗi tháng bồi dưỡng cho cán bộ quản lý 100.000đ, sau đó cứ thế tăng kinh phí. Ở trường học, ngành Giáo dục đào tạo cần tăng cường đầu tư xây dựng tủ sách tham khảo chuyên môn cho giáo viên. Các thư viện huyện cũng cần có định mức và kinh phí luân chuyển sách thường xuyên đến các điểm thư viện trường. Kinh phí này phải được bổ sung hằng năm ở ngân sách sự nghiệp văn hóa”.
Chia sẻ kinh nghiệm của mô hình xã hội hóa trong hoạt động thư viện tại Hải Hậu (Nam Định), Giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định Vũ Thị Uyên cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn, Thư viện Hải Hậu đã mạnh dạn thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” một cách sáng tạo, mở và duy trì phòng đọc phục vụ thanh thiếu niên. UBND huyện giao cho Trung tâm Văn hóa huyện ký hợp đồng với một gia đình xây dựng và duy trì kho sách phòng đọc thiếu nhi với kinh phí của gia đình; huyện tạo điều kiện về vị trí, địa điểm, trang thiết bị và không thu bất cứ một lệ phí nào. Để duy trì và thu hút bạn đọc, mỗi tuần 2 lần phòng đọc được bổ sung từ 300- 500 bản sách mới. Để tìm con đường cho phòng đọc thiếu nhi tồn tại và phát triển, gia đình này cũng đã chủ động gây dựng và giúp đỡ nhiều cơ sở cho thuê sách trong và ngoài tỉnh. Đây là biện pháp để có vốn bổ sung nguồn sách mới nhằm đáp ứng, thỏa mãn cao yêu cầu bạn đọc lứa tuổi thanh thiếu niên và nhi đồng”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc ngày một hiệu quả, ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Thư viện KHTH Đà Nẵng cho biết: “Ngoài việc tích cực mở rộng các hoạt động phục vụ ngoài thư viện như luân chuyển sách báo về cơ sở, hiện nay, Thư viện Đà Nẵng đã đơn giản hóa, xóa bỏ các thủ tục rườm rà. Sau khi làm xong các thủ tục nhập dữ liệu là bạn đọc có thể mượn sách ngay mà không phải chờ đợi khi có thẻ mới mượn được sách. Hơn thế, bạn đọc có thể đăng ký thẻ qua mạng trên website của Thư viện”.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá cao những kết quả đạt được của các địa phương trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thư viện nói chung và hoạt động của Hệ thống TVCC nói riêng. Thứ trưởng nhấn mạnh, một trong những thành tựu lớn nhất của Hệ thống TVCC trong 3 năm qua, đó chính là góp phần khơi dậy Văn hóa đọc trong nhân dân giữa bối cảnh văn hóa nghe-nhìn đang lấn lướt. Đồng thời, hướng đến nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian sắp tới, để phát triển sự nghiệp thư viện hiệu quả, bền vững, toàn ngành VHTTDL, trong đó Hệ thống TVCC cần phát huy hơn nữa, tận dụng thuận lợi, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra.
Cũng dịp này, tối cùng ngày, Bộ VHTTDL đã tổ chức Liên hoan tiếng hát cán bộ ngành Thư viện lần thứ III tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh – Đà Nẵng.
Trung Sáng
Nguồn: http://www.baovanhoa.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét