CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Châu Thành Được. Rất hân hạnh được chia sẻ cùng các bạn!

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Đưa sách đến gần hơn với bạn đọc

Làm thế nào để vực dậy hoạt động của hệ thống thư viện cấp quận, huyện; đưa sách đến với bạn đọc đang là yêu cầu cấp bách được đặt ra.
Các thư viện đã phải tìm nhiều cách để đưa sách đến với bạn đọc.
Tại Hội nghị sơ kết về thư viện công cộng diễn ra mới đây, rất nhiều ý kiến khẳng định, hệ thống thư viện công cộng, đặc biệt là các thư viện quận, huyện, xã, phường, có vai trò không nhỏ trong việc cung cấp kiến thức, giáo dục cho trẻ em từ nhỏ đến lớn. Tuy nhiên, hiện nay, với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, giới trẻ đa số thờ ơ với tủ sách của thư viện, tìm đến những loại sách, truyện có sẵn trên Internet, đôi khi không mang tính giáo dục cao. Thực tế ở nhiều nơi, người dân quay lưng với thư viện để đến với những hình thức giải trí khác một phần cũng do thư viện chưa thay đổi cách thức hoạt động, mới chỉ dừng lại ở việc cho mượn sách, mà chưa có những hoạt động kèm theo.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu có cách làm hiệu quả, vẫn có thể thu hút bạn đọc đến thư viện.

Việc nhiều địa phương đã đặt thư viện ngay trong khuôn viên nhà văn hóa như hiện nay cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để có thể giới thiệu thư viện nhiều hơn đến người dân. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc Nhà văn hóa huyện Gia Lâm cho biết: Từ khi thư viện Gia Lâm chuyển địa điểm, do chưa có địa chỉ rõ ràng, đường đi lại không thuận tiện, nên số lượng người đến thư viện rất ít. Tuy nhiên, qua 2 năm hoạt động, Nhà văn hóa huyện Gia Lâm trở thành địa điểm tổ chức nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, tổ chức các lớp tập huấn cho nghiệp vụ văn hóa, thể thao cho nhân dân trong huyện. Trong quá trình nhân dân đến tham gia các hoạt động, tham gia tập huấn, đã biết ở đó có thư viện, nên đã tranh thủ đến đọc, tham khảo sách, báo trong những giờ giải lao. Nhiều bạn đọc từ đó biết đến thư viện huyện, đã quay lại làm thẻ thư viện và trở thành bạn đọc thường xuyên.

Đối với thư viện quận Cầu Giấy cũng vậy. Chị Bùi Thị Thúy, cán bộ phụ trách thư viện cho biết, do nằm bên cạnh nhà văn hóa quận, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... nên các cháu thiếu nhi trong giờ giải lao, hoặc trong lúc chờ đến giờ vào lớp, thường xuyên qua thư viện đọc sách báo. Ngay cả các phụ huynh trong thời gian chờ đón con em mình cũng tranh thủ ghé qua thư viện. Đặc biệt là vào mùa hè, khi các lớp học năng khiếu nở rộ, thư viện lúc nào cũng rất đông bạn đọc tham gia. Ngoài ra, các cán bộ hưu trí, sinh viên các trường đại học cũng thường xuyên đến thư viện để mượn sách, báo về đọc hoặc lên thư viện tra cứu thông tin trên mạng qua hệ thống máy tính có nối mạng Internet tại thư viện.
Theo thống kê, hiện cả nước có 63 thư viện cấp tỉnh, 649 thư viện cấp huyện, 2.300 thư viện cấp xã và gần 20.000 phòng đọc sách ở các xã, phường, thôn, bản, ấp... Bên cạnh đó, còn có khoảng 10.000 tủ sách pháp luật, hàng nghìn phòng đọc sách tại các điểm bưu điện văn hóa xã, phường, thị trấn... Đến nay, đã bổ sung mới trên 3,8 triệu bản sách, đưa tổng số sách trong hệ thống thư viện trên 20 triệu bản sách.

Bên cạnh đó, các thư viện còn tìm cách đưa sách đến gần hơn với bạn đọc bằng cách thiết lập hệ thống mạng lưới thư viện cơ sở ở các xã, phường, hàng tháng, hàng quý bổ sung định kỳ sách đến các thư viện xã, phường. Tranh thủ kết hợp giới thiệu sách, tuyên truyền về thư viện trong các hội nghị cơ sở, hội diễn văn nghệ, thể thao quần chúng... Hàng tháng, tổ chức nói chuyện chuyên đề, tổ chức các hoạt động phong trào để giới thiệu sách đến gần bạn đọc hơn. Ngoài ra, nhiều thư viện còn phối hợp với các tổ dân phố giới thiệu các loại sách mà thư viện đang có, đồng thời hướng dẫn bà con có nhu cầu làm đơn đề nghị, xã có trách nhiệm xác nhận để mượn tập thể, sau đó thư viện chuyển sách về... Vào những dịp lễ, Tết, nhiều thư viện cũng chi kinh phí để làm panô, áp phích giới thiệu về thư viện, đồng thời tổ chức trưng bày phòng báo xuân, giới thiệu các đầu báo Tết để thu hút bạn đọc... Đó là những cách làm tương đối hiệu quả, từng bước kéo bạn đọc đến với thư viện.

Có thể nói, trước sự bùng nổ về công nghệ thông tin, truyền thông, văn hóa đọc đã có nhiều thay đổi, các thông tin đều có thể dễ dàng khai thác trên điện thoại, máy tính, dẫn đến hệ thống thư viện cũng chịu tác động nhất định. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, bên cạnh sự tăng cường quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước, hệ thống thư viện cần được xã hội hóa trong đầu tư và phát triển, bản thân ngành thư viện cần đổi mới hình thức, nội dung hoạt động hơn nữa mới có thể thu hút bạn đọc.

Bài và ảnh: Phương Hà
Nguồn: http://baotintuc.vn